Chuyên gia cho rằng quan trọng nhất hiện nay là phải hoàn thiện thể chế để tăng liên kết vùng Đông Nam Bộ, khơi thông các cửa ngõ thông qua các dự án.
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương đã tập trung nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy liên kết, phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM (thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật), cho rằng vùng Đông Nam Bộ còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, để khai thác tốt các dư địa này thì cần nhiều chính sách đột phá, đặc thù hơn nữa mà cấp bách nhất là đột phá về thể chế liên kết vùng (LKV).
+ PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình: Theo tôi, mấu chốt của vấn đề này là thể chế LKV. Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ hiện do Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch hội đồng, việc này đương nhiên sẽ giúp các công việc của vùng chạy nhanh nhưng quyền lực của Thủ tướng không thể đứng trên luật. Thủ tướng có thể quyết nhanh, quyết mạnh nhưng ở dưới các bộ, ngành, địa phương vẫn phải làm theo đúng luật.
Hiện nay, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ không phải là một cấp hành chính trung gian nên vướng rất nhiều luật khi triển khai các hoạt động của vùng trên thực tế. Trong khi đó, chúng ta chưa có luật về LKV.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải hoàn thiện thể chế LKV, hay nói cách khác là luật hóa vấn đề LKV. Trước mắt, tôi cho rằng cần có nghị định về LKV, sau đó nghiên cứu thể chế hóa thành Luật LKV và lâu dài là quy định vào hiến pháp.
. Vậy phải chăng cần có những cơ chế đặc thù, mang tính bao quát để phát triển vùng?
+ Đúng vậy. Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ cũng nên được thành lập như một cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ. Cơ quan này do Chính phủ quyết định thành lập mà không phải thông qua Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó cũng như thực hiện chức năng điều phối trong phạm vi vùng Đông Nam Bộ.
Với vai trò là một cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò phù hợp với quy định tại Nghị định 10/2016 quy định về cơ quan thuộc Chính phủ.
Khi đó, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sẽ có tư cách pháp nhân độc lập, có con dấu riêng, được cấp và sử dụng ngân sách. Đây sẽ là một cấp hành chính trung gian. Khi Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ đã là một cơ quan chuyên trách thì có thể dùng ngân sách để đầu tư cho hạ tầng, giao thông của vùng.
Hiện nay, tỉ lệ trích ngân sách của các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ về Trung ương khá cao. Vì vậy, theo tôi, Trung ương cần cân nhắc có thể giảm bớt tỉ lệ trích này và giữ lại để đưa vào Quỹ đầu tư hạ tầng vùng Đông Nam Bộ nhằm thực hiện các dự án ưu tiên thúc đẩy LKV. Nếu làm được điều này sẽ tạo đột phá lớn cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ.
Có thể đạt tăng trưởng hai con số
. Có ý kiến cho rằng có thể vận dụng các cơ chế từ Nghị quyết 98 đang áp dụng cho TP.HCM để áp dụng cho cả vùng Đông Nam Bộ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
+ Nghị quyết 98 là cơ hội lớn để TP.HCM phát huy tốt vai trò nòng cốt, đầu tàu trong thúc đẩy LKV để giải quyết được các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, đất đai… Từ đó, tạo động lực và không gian phát triển mới không chỉ cho TP.HCM mà còn cho vùng và cả nước.
Thay vì để mỗi địa phương đều có yêu cầu cơ chế đặc thù như TP.HCM thì nên có cơ chế đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Theo tôi, Trung ương nên chọn vùng Đông Nam Bộ để thí điểm cơ chế đặc thù này, trước hết là thí điểm vấn đề thể chế vùng như tôi đã phân tích ở trên.
. Với những đề xuất đột phá về thể chế nêu trên, liệu vùng Đông Nam Bộ có thể đạt đến kịch bản phát triển kinh tế cao (8%-9%/năm trong giai đoạn 2021-2030)?
+ Đây là kịch bản có thể thực hiện được, thậm chí vùng Đông Nam Bộ hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tới. Bởi nguồn lực của vùng đang rất lớn nhưng chưa được khai thác hết.
Thời gian qua, chúng ta thấy sự phát triển của vùng chủ yếu từ sự nỗ lực của từng địa phương, còn vấn đề LKV vẫn chủ yếu do thị trường dẫn dắt. Nếu bây giờ có thể hình thành thể chế LKV tốt thì có thể giải quyết được bài toán này.
Kinh nghiệm phát triển của các quốc gia, nhất là bốn con rồng châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Hong Kong) cho thấy giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các quốc gia đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao chủ yếu dựa vào các nguồn lực vật chất. Tuy nhiên, khi đã vượt ra khỏi mức thu nhập trung bình rồi mà vẫn tiếp tục khai thác nguồn lực này là chủ yếu thì nền kinh tế có thể rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Do đó, để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, các quốc gia cần tập trung khai thác các nguồn lực phi vật chất, trong đó nổi bật là vấn đề thể chế, môi trường, chính sách.
. Vậy vai trò của TP.HCM trong phát triển vùng Đông Nam Bộ xứng tầm ra sao?
+ Chúng ta thường đặt khái niệm “vùng TP.HCM” cũng chính vì vai trò đầu tàu của TP trong vùng.
TP.HCM sẽ thúc đẩy các địa phương khác phát triển nhưng chính các địa phương phát triển cũng sẽ kéo nguồn lực về cho TP.HCM, đây là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau.
Chẳng hạn, nếu TP.HCM và Bình Dương liên kết phát triển đường sắt đô thị (metro) thì có thể giải quyết vấn đề đô thị hóa của cả hai địa phương. Khi đó người dân có thể ban ngày làm việc ở TP.HCM, tối về Bình Dương sinh sống hoặc ngược lại. Điều này cũng góp phần giải quyết bài toán gánh nặng về xã hội, giao thông, môi trường… của TP.HCM cũng như thúc đẩy đô thị mới Bình Dương phát triển.
Chiếc áo của TP.HCM đã chật rồi, chúng ta cần mở rộng chiếc áo này ra các địa phương lân cận và làm rõ khái niệm “vùng TP.HCM”.
Cần luật hóa liên kết vùng
. Phóng viên: LKV Đông Nam Bộ được nhắc đến từ lâu chứ không phải đợi đến khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24/2022, vậy tại sao LKV Đông Nam Bộ vẫn chưa có nhiều đột phá, thưa ông?