MỘT SỐ ĐỀ XUẤT NHẰM PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ CỬA KHẨU CỦA TỈNH AN GIANG
1. Một số kinh nghiệm phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu trên thế giới và Việt Nam
Các mô hình Khu kinh tế cửa khẩu trên thế giới rất thành công trong việc xây dựng, phát triển nền kinh tế biên giới.
Tam giác kinh tế Indonesia – Singapore – Malaysia và Khu kinh tế cửa khẩu Batam của Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của liên kết vùng, cả nội vùng và ngoại vùng, để phát triển khu kinh tế cửa khẩu thành công.
Hành lang kinh tế Paraguay-Chile và Khu kinh tế cửa khẩu Zofri chỉ ra bí quyết thành công đến từ: 1) Xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Paraguay, qua việc tận dụng thế mạnh của mỗi bên; và đưa ra các chính sách ưu đãi hợp lý để thu hút đầu tư và phát triển sản xuất; 2) Xây dựng quy mô đủ lớn và hạ tầng logistics hiện đại để phục vụ nhu cầu giao thương.
Từ đối chiếu với Việt Nam và rút ra các bài học, nguyên nhân dẫn đến suy giảm vị thế của các Khu kinh tế cửa khẩu:
Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo dù từng sôi động, hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu định hướng rõ ràng, công nghệ lạc hậu, và nguồn nhân lực chưa đáp ứng. Các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào lợi thế từ hành lang kinh tế Đông Tây nhưng thiếu vốn để đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, chất lượng lao động còn thấp và hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện cũng là những hạn chế lớn.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài dù có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng lớn, nhưng chưa phát triển đúng như kỳ vọng, vẫn còn nhiều đất chưa được sử dụng hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch chưa phù hợp, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, và chính sách chưa ổn định. Để thay đổi tình hình, Tây Ninh đang tập trung vào việc hoàn thiện quy hoạch, thu hút đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt là tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Hình 01. Vị trí địa lý của Tỉnh An Giang và các tỉnh giáp ranh
Hàm ý rút ra cho việc phát triển Khu kinh tế cửa khẩu ở tỉnh An Giang: Thứ nhất, định hướng phát triển phải rõ ràng, dựa trên dự báo xu hướng và nguồn lực của các bên liên quan, đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển chung của quốc gia và khu vực. Thứ hai, sự hợp tác và liên kết vùng là yếu tố quyết định. Liên kết nội vùng và ngoại vùng giúp huy động nguồn lực, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư. Thứ ba, quy mô của khu kinh tế cần phù hợp, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí. Thứ tư, việc khai thác thế mạnh kinh tế địa phương là rất quan trọng. Xác định rõ các sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu riêng sẽ giúp tăng sức cạnh tranh. Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân là yếu tố cần thiết để đảm bảo sự thành công của khu kinh tế. Đồng thời, cần có chính sách và cơ sở hạ tầng phù hợp để thích ứng với sự thay đổi của thị trường.
2. Dự báo một số tác động mới đến Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang trong tương lai
Tác động thuận lợi: Kênh đào Fuhnam Techo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản của An Giang đến các thị trường quốc tế, đặc biệt là Thái Lan và Myanmar. Điều này sẽ giúp giảm chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển và nâng cao giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, dự án cũng thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp và tăng cường hợp tác kinh tế trong khu vực. Dự án cảng Trần Đề và hệ thống cao tốc Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ An Giang ra các thị trường trong và ngoài nước. Điều này sẽ giúp giảm chi phí logistics, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản An Giang và thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến. Với những lợi thế trên, An Giang có cơ hội trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào an ninh lương thực quốc gia và tăng cường vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tác động thách thức Thứ nhất, sự cạnh tranh từ thương mại điện tử, đặc biệt là từ Trung Quốc, đang đe dọa các ngành sản xuất và kinh doanh nội địa. Thứ hai, việc Campuchia rút khỏi khu vực Tam giác phát triển CLV-DTA gây ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế và đầu tư. Cuối cùng, sự cạnh tranh từ các địa phương khác trong khu vực cũng là một thách thức không nhỏ.
Hình 02. Liên kết nội vùng, ngoại của Tỉnh An Giang
Để đối phó với những thách thức này, An Giang cần có những giải pháp phù hợp, như: tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, tỉnh cần chủ động thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh tế và hội nhập quốc tế.
3. Một số đề xuất nhằm phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang
Thứ nhất, tỉnh cần tiếp tục kiến nghị Trung ương xin cơ chế phát triển vượt trội đối với Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang để chuyển thành Khu kinh tế cửa khẩu đặc biệt. Tập trung vào việc tạo ra những công cụ tài chính và pháp lý mang tính đột phá: xây dựng cơ chế huy động vốn sáng tạo (tín chỉ carbon từ hệ sinh thái rừng là ưu tiên chiến lược). Bằng cách này, không những giải quyết được vấn đề tài chính mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên biên giới, An Giang đề xuất cơ chế ưu đãi thuế linh hoạt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Mô hình "có đi có lại" giữa các nước sẽ được vận hành qua không gian kinh tế cửa khẩu, tạo ra một "vùng đệm" kinh tế động. Các ưu đãi không chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia mà còn được mở rộng đến cấp độ doanh nghiệp và người lao động.
Thứ hai, về xác định tính chất của Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, xây dựng hệ thống nông trại thông minh và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Mục tiêu là tạo ra một chuỗi giá trị nông sản bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu nông sản An Giang trên thị trường quốc tế.
Thứ ba, về phân kỳ phát triển và phân kỳ đầu tư Khu kinh tế giữa các cửa khẩu Vĩnh Xương, Khánh Bình và Tịnh Biên. Ưu tiên đầu tư vào các khu vực trọng điểm trước. Cách làm này sẽ giúp tập trung nguồn lực, giảm chi phí và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Thứ tư, kiến nghị với Thủ tướng chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Quyết định 1200/QĐ-TTg ngày 14/10/2023. Trọng tâm triển khai và tháo gỡ các vướng mắc trong xây dựng chính sách ưu đãi về thuế, các chính sách về khuyến khích đầu tư chính sách xã hội, các chính sách ưu đãi trên cơ sở vận dụng tối đa chính sách ưu đãi của Nhà nước áp dụng đối với địa bàn khu vực biên giới và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Hình 03. Nông dân Tỉnh An Giang đang sàng lọc “Chanh bông tím được trồng theo công nghệ cao” đạt chất lượng để xuất khẩu.
Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP.HCM
Số điện thoại: 028 3724 4555 (Số nội bộ 6571)
Email: idp@uel.edu.vn
Địa chỉ: Phòng A.807, trường Đại học Kinh tế - Luật, số 669, quốc lộ 1, Linh Xuân, Thủ Đức, TP.HCM
Viện Trưởng: PGS. TS Đỗ Phú Trần Tình
Email: tinhdpt@uel.edu.vn, Số điện thoại: 0918 512 104