TP.HCM PHÁT HUY CÁC CHÍNH SÁCH ĐỘT PHÁ, GIỮ VỮNG VAI TRÒ ĐẦU TÀU KINH TẾ CỦA CẢ NƯỚC
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH Radio), PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình - Viện trưởng Viện Phát triển Chính sách ĐHQG-HCM, trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật đã có những chia sẻ sâu sắc về hành trình 50 năm phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò tiên phong của Thành phố Hồ Chí Minh trên bản đồ kinh tế Việt Nam.
Theo PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, TP.HCM luôn là trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng GRDP ấn tượng trong nhiều thập kỷ. Cụ thể, giai đoạn 1990-2020, GRDP bình quân của thành phố đạt 8,3%/năm - cao hơn đáng kể so với mức trung bình 6,8% của cả nước. Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ Đại dịch Covid-19, trong giai đoạn 2021-2024, TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình 4,56%/năm, cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2024, GRDP bình quân đầu người của thành phố ước đạt khoảng 6.500 USD, cao hơn gần 40% so với mức trung bình toàn quốc.

Phát triển kinh tế nhiều thành phần - lựa chọn chiến lược đúng đắn
Theo PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong hành trình 50 năm xây dựng và phát triển của TP.HCM. Nhờ đường lối đúng đắn và cơ chế chính sách phù hợp, thành phố đã ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của khu vực tư nhân, với hơn 278.000 doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2024, chiếm trên 30% tổng số doanh nghiệp tư nhân cả nước. Không chỉ là nơi tập trung đông đảo lực lượng doanh nghiệp, TP.HCM còn được xem là “lò ươm” cho các mô hình kinh doanh đổi mới, đồng thời giữ vững vai trò là trung tâm khởi nghiệp năng động hàng đầu cả nước.
Khoa học công nghệ và chuyển đổi số - chìa khóa tăng trưởng bền vững
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số trong giai đoạn tới, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình cho rằng TP.HCM cần phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp mới dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, điều này chỉ khả thi nếu thành phố tập trung đồng bộ vào phát triển hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế quản lý, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.
Kinh tế xanh và chuyển đổi kép: “Không xanh, không bền vững thì không có tương lai”
Nhìn về tương lai, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình đánh giá cao Quyết định 3797/QĐ-UBND ngày 13/9/2024 với 14 nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2024-2030, tạo nền móng cho phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM. Tuy nhiên, ông cho rằng để đạt hiệu quả thực chất, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của mô hình phát triển xanh - tuần hoàn - bền vững, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ mô hình Chuyển đổi kép “xanh và số”. Ông khẳng định: “Nếu không phát triển xanh, không bền vững, không tuần hoàn thì loài người không có tương lai”.
Phát huy cơ chế đặc thù - động lực bứt phá giai đoạn mới
Cuối cùng, để tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế quốc gia, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15 về phân cấp, phân quyền và cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM. Bên cạnh đó, ông đề xuất cần bổ sung các chính sách vượt trội trong đầu tư chiến lược, phát triển vùng đô thị theo cụm ngành - cụm công nghiệp, cơ chế hợp tác công - tư linh hoạt, đồng thời trao quyền điều phối liên vùng cho thành phố trong một số lĩnh vực ưu tiên.
Xem trọn cuộc phỏng vấn tại VOH Radio:
https://voh.com.vn/radio-episode-tphcm-phat-huy-cac-chinh-sach-dot-pha-giu-vung-vai-tro-dau-tau-kinh-te-NjM4ODE1NDU2ODEz.html?t=3
Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP.HCM
Số điện thoại: 028 3724 4555 (Số nội bộ 6571)
Email: idp@uel.edu.vn
Địa chỉ: Phòng A.807, trường Đại học Kinh tế - Luật, số 669, quốc lộ 1, Linh Xuân, Thủ Đức, TP.HCM
Viện Trưởng: PGS. TS Đỗ Phú Trần Tình
Email: tinhdpt@uel.edu.vn, Số điện thoại: 0918 512 104